Osechi ryori - Món ăn Tất niên của người Nhật và hộp đựng "hạnh phúc”

Osechi ryori - Món ăn Tất niên của người Nhật và hộp đựng

Tương tự như bữa cơm tất niên của Việt Nam với xôi, thịt gà, bánh chưng, chả lụa,… người Nhật cũng chuẩn bị bữa ăn đầu năm “おせち料理” (Osechi ryori) với nhiều ước vọng cho ngày xuân sang. Bạn có biết người Nhật Bản ăn bao nhiêu loại Osechi ryori mỗi năm vào ngày đầu năm mới không? Và liệu bạn đã biết về những ý nghĩa hàm chứa trong đó chưa?

Trong bài viết này, Sakuko sẽ giới thiệu các món Osechi phổ biến nhất, đồng thời giải thích về các nguyên liệu trong món ăn và cách người Nhật sắp xếp chúng trong hộp “Jubako” để khéo léo bày tỏ những mong muốn và hy vọng năm mới tới những vị thần.

 Osechi Ryori (おせち料理 ) là gì?

 Ý nghĩa và sự hình thành của Osechi Ryori

Ngày Tết của Nhật Bản, hay “Oshougatsu” khác với các nước như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc,… vì được tổ chức dựa theo lịch Phương Tây (Dương lịch) nhưng có thể nói hầu hết các phong tục đón năm mới vẫn giữ nguyên nét truyền thống và mang đậm chất Á Đông.

Đối với người Nhật, ngày Tết mang ý nghĩa rất đặc biệt bởi nếu như khởi đầu năm mới được thuận lợi thì cả năm cũng dễ gặp may mắn, vạn sự đều hanh thông.

Ngày nay, Osechi Ryori là các món để thưởng thức vào ngày đầu năm mới, nhưng "Osechi" ban đầu được dùng để chỉ một lễ hội theo mùa và là món ăn được ăn vào ngày "Sechi'" () – Một trong 5 ngày tượng trưng cho thời điểm giao mùa trong năm.

Trong thời kỳ Heian, triều đình tổ chức Gosechi-e (五節絵) – bữa tiệc với nhiều món ăn đặc biệt được chuẩn bị riêng cho những dịp giao mùa như thế này. Những loại thức ăn này dần trở nên phổ biến hơn với dân chúng vào thời Edo và đến nay đã trở thành một món ăn mang nét đẹp văn hóa tinh thần trong ngày đầu năm - "Osechi".

 Lý do người Nhật ăn Osechi Ryori

Ngoài việc quây quần bên gia đình và thưởng thức những món ăn ngon trong năm mới thì người Nhật còn ăn Osechi để:

  • Nhận may mắn và an lành từ những thức ăn được các vị thần ban phúc.
  • Không phải vướng bận việc bếp núc khi tiếp đón thần linh ghé thăm.
  • Nghỉ ngơi trong 3 ngày Tết.

Osechi là lễ vật dâng lên Toshigami (年神様) – Vị thần của năm mới, được coi như món ăn dùng chung với các thần để cầu mong hạnh phúc an lành trong năm mới. Đây chính là lý do mà người Nhật dùng đũa Iwai-bashi – loại đũa với cả hai đầu vót nhọn và nhỏ hơn so với thân đũa, bằng cách này các vị thần linh khi ghé thăm cũng sẽ có thể thưởng thức các món Osechi Ryori cùng với bạn. Từng món ăn chứa đầy những tinh hoa của núi rừng, được gói ghém với niềm hy vọng về một năm mới với vụ mùa bội thu, gia đình yên ấm, con đàn cháu đống.

Dùng đũa Iwaibashi để các Thần linh ban phước cho bữa ăn đầu năm

Ngoài ra, món Osechi được làm vào cuối năm để tránh đầu năm mới phải nấu nướng gây ồn ào, náo động, ảnh hưởng đến việc nghênh đón Thần Toshigami ghé thăm.

Đồng thời, việc này nhằm để những người nội trợ trong nhà có thể ngơi tay và tận hưởng ngày Tết, người ta thậm chí đào sâu nghiên cứu cách chế biến để các món ăn vẫn có thể giữ lại hương vị thơm ngon ngay cả khi ăn nguội.

 Những món ăn cơ bản trong Osechi và ý nghĩa của chúng

Có rất nhiều món Osechi nhưng về cơ bản có thể được phân loại như sau:

Một số món Osechi phổ biến

 3 món ăn mang lời chúc mừng năm mới

3 món “Tazukuri”, “Kazunoko” và “Kuromame” là những món không thể thiếu trong mâm cỗ năm mới. Cụ thể:

  • Cá mòi rim (田作り - Tazukuri)
    Là cá mòi nhỏ phơi khô ninh với nước tương, đường, rượu mirin... Món ăn này nói lên mong muốn về một mùa thu hoạch bội thu trên những cánh đồng lúa - nơi cá mòi katakuchi được sử dụng làm phân bón cho cây trồng nông nghiệp. Do đó, nó còn được gọi là 'Gomame' (ごまめ) hay 五万米, với hàm ý cầu mong thóc lúa dồi dào cho một vụ mùa no ấm.
  • Trứng cá trích muối (数の子 - Kazunoko) 
    Bởi một bọng trứng cá trích thường sinh ra rất nhiều cá con nên món ăn này là lời cầu may mong cho con cháu đuề huề, gia đình đông vui, hạnh phúc.
  • Đậu đen ninh ngọt (黒豆 - Kuromame)
    Mang ý nghĩa xua đuổi tà ma và cầu cho sức khỏe để có thể làm việc siêng năng sớm tối. Trong Tiếng Nhật, đậu gọi là Mame, đồng âm với từ mang ý nghĩa sức khỏe, sự khỏe mạnh.

 Các món khai vị

Kuchitori là chữ viết tắt của "Kuchitori Sakana'' (口取) và là những món được đưa đầu tiên được đưa lên cùng các món súp trong trong bữa ăn. Các món này gồm "Datemaki", "Kurikinton", "Kobumaki", "Kohaku Kamaboko", v.v.

  • Chả cá (かまぼこ - Kamaboko)
    Được làm từ các loại thịt cá trắng như cá tuyết. Sắc đỏ và trắng được sử dụng để thể hiện tinh thần phấn chấn trong năm mới. Màu đỏ mang ý nghĩa hộ mệnh, xua đuổi cái xấu xa còn màu trắng tượng trưng cho sự tinh khiết, đại diện cho thánh thần.
  • Trứng cuộn (伊達巻き - Datemaki)
    Có hình dạng giống như một cuộn giấy, nên nó biểu trưng cho hy vọng nâng cao trí tuệ, gặt hái nhiều thành tựu trên con đường học vấn.
  • Hạt dẻ nghiền và khoai ngọt (栗きんとん - Kuri Kinton)
    Món này gồm hạt dẻ ninh nhừ với đường trộn với khoai lang ngọt nghiền nhuyễn. Màu vàng của món ăn gợi liên tưởng đến tiền bạc nên nó giúp mang lại sự giàu có, thịnh vượng.
  • Cá trích cuộn tảo bẹ (昆布巻き - Kobumaki)
    Kobu gắn liền với よろこぶ (Niềm vui sướng) nên nó mang ý nghĩa chúc cho năm mới tràn ngập những tiếng cười hạnh phúc.

 Các món muối chua 

Gồm "Cà rốt và củ cải muối", "Rễ ngưu bàng Tataki", "Bạch tuộc ngâm giấm chua ngọt", v.v.

  • Cà rốt và củ cải muối chua (紅白なます - Kohaku Namasu)
    Kết hợp sắc trắng và đỏ - được dùng để cầu bình an và yên ấm.
  • Rễ cây ngưu bàng ninh ngọt (たたきごぼう - Tataki Gobo)
    Rễ ngưu bàng ăn sâu vào lòng đất nên được cho là món giúp gia thất và sự nghiệp bền lâu, vững chắc.
  • Bạch tuộc ngâm giấm (酢だこ - Sudako)
    Màu đỏ nổi bật của món ăn này được cho là có tác dụng xua đuổi tà ma. Việc bạch tuộc phun ra mực đen để tự vệ và chạy trốn khỏi kẻ thù cũng được coi là điềm lành, vì nó tượng trưng cho “Tai qua nạn khỏi” - vượt qua được gian khổ và khó khăn trong năm.

 Các món nướng và hải sản

Cá Cam nướng, cá tráp nướng, tôm sú, nghêu luộc, v.v.

  • Cá tráp nướng nguyên con (鯛の姿焼き - Tai no Sugatayaki)
    “Tai” (Cá tráp) được lấy từ “Medetai” (めでたい) là một cách chơi chữ, nói lên điềm lành, sự thịnh vượng, hạnh phúc.
  • Cá Cam Nhật nướng sốt Teriyaki (鰤の照り焼き - Buri no Teriyaki)
    Buri (
    ) là từ để chỉ loại cá ở trong giai đoạn to lớn, trưởng thành nhất nên nó nói lên sự thành công trong sự nghiệp và cuộc sống.
  • Tôm sú Nhật ninh ngọt (車海老艶煮 - Kurumaebi Tsuyami)  
    Khi luộc lên, tôm thường uốn cong, gợi liên tưởng đến các cụ già sống thọ nên món này mang lời cầu chúc trường thọ, sống lâu trăm tuổi.
  • Nghêu Ninh ngọt (煮蛤 - Ni Hamaguri)
    Vì vỏ nghêu vừa vặn khép chặt vào với nhau nên nó mang ý nghĩa tượng trưng cho một cuộc hôn nhân “đồng vợ đồng chồng” hòa thuận, viên mãn.

 Món rau củ hầm thịt

  • Gà om rau củ (筑前煮 - Chikuzen-ni)
    Món ăn này bao gồm nhiều nguyên liệu quen thuộc với người Nhật như tảo bẹ, khoai môn, củ sen, cà rốt, konjac, ngưu bàng, nấm đông cô, măng, củ cải v.v. ninh nhừ với nhau. Trong đó, những lát ngó sen có rất nhiều lỗ - tượng trưng cho tương lai rộng mở và tươi sáng phía trước. Còn khoai sọ với nhiều củ khoai con mọc trên thân mình có ý nghĩa hạnh phúc lâu bền, gia đình đông con, nhiều cháu.

Chiếc hộp đựng "Hạnh phúc” năm mới

 Khái niệm cơ bản về Jubako (重箱) và các tầng "Hạnh phúc"

Người Nhật Bản có một quan niệm rất thú vị về chiếc hộp sơn mài đựng những món Osechi. Đó là nếu đặt các món ăn này trong một chiếc “Jubako” (Hộp sơn mài nhiều tầng) sẽ càng mang lại nhiều phước lành năm mới!

Bản thân Osechi là món ăn dâng lên các vị thần năm mới và được coi như một loại bùa may để cầu mong hạnh phúc cho gia đình. Vì vậy, nên việc đặt các món ăn cầu may này trong một chiếc “Jubako” - Hộp nhiều tầng - cũng mang ý nghĩa “May mắn chồng may mắn” và “Hạnh phúc chồng hạnh phúc”.

Jubako mang ý nghĩa “Hạnh phúc chồng hạnh phúc”

Có rất nhiều món ăn Osechi phổ biến, nhưng chúng nên được sắp đặt như thế nào trong Jubako?

Ban đầu, Osechi ryori được đặt trong Hộp năm tầng. Thứ tự sắp xếp các món ăn như sau.

Thứ tự

Phân loại

Các món ăn

Tầng thứ nhất

Món ăn mừng

Cá mòi rim, trứng cá trích muối, đậu đen ninh ngọt.

Tầng thứ hai

Món khai vị, món muối chua

Hạt dẻ ngào đường, trứng cuộn, rễ ngưu bàng ninh ngọt, cà rốt và củ cải muối, v.v.

Tầng thứ ba

Món nướng, hải sản

Cá nướng như cá tráp biển và cá bơn, các loại hải sản như tôm, nghêu.

Tầng thứ tư

Món hầm

Khoai môn, củ sen, cà rốt, các món ngon miền núi và rau củ hầm thịt.

Tầng thứ năm

Lời chúc của các vị thần

Để trống.

(Tầng này dành cho những lời chúc và ban phước từ các thần linh, như vậy năm mới sẽ càng thêm thịnh vượng và may mắn hơn.)

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, có thể nói loại hộp ba tầng là phổ biến hơn cả do độ tiện lợi của nó. Trong trường hợp đó, thứ tự sắp xếp các món sẽ như sau.

Tầng thứ nhất

Món khai vị và các món ăn mừng

Tầng thứ hai

Món muối chua, món nướng

Tầng thứ ba

Món luộc và hầm

Ngoài ra, với các hộp hai tầng thông thường thì tầng đầu tiên phải chứa các món khai vị ăn mừng, khai vị và các món muối, và tầng thứ hai trong hộp phải có các món nướng và luộc.

 

Cách xếp Osechi trong hộp ba tầng

Nếu có thể sắp xếp vừa khít các món để Jubako không bị trống quá nhiều, khay đựng thức ăn sẽ trông rất rực rỡ và đẹp mắt. Người chế biến cũng thường đặt những món có màu tương tự cách xa nhau để càng tăng thêm hiệu ứng đa dạng về màu sắc.

 Các biến thể về cách sắp xếp Jubako

Tùy theo từng vùng và từng hộ gia đình mà có thể lên đến từ 20 đến 30 loại nguyên liệu trong 1 hộp “Jubako”. Tuy nhiên, văn hóa Nhật quan niệm nên dùng số lẻ các món thì tốt hơn, vì số lẻ từ lâu đã được coi là điềm lành.

Có nhiều món Osechi vậy nên cách sắp xếp cũng rất đa dạng

Số lượng đĩa đựng trong mỗi tầng nên là 3, 5 hoặc 7. Nếu như có lỡ đặt số miếng chẵn, thường họ sẽ thêm あしらい - Ashirai (những đồ trang trí tạo thêm màu sắc và hương vị cho món ăn) để tạo số lẻ.

  • Xếp hình bàn cờ

Đây là cách sắp xếp chín loại món ăn theo trật tự hình bàn cờ. Số lượng thức ăn được chia trong Tầng thứ nhất thường nhiều hơn cả. Sự chuyển đổi hương vị cũng thường được chú trọng và phương pháp phân vùng thường được sử dụng, chẳng hạn như đặt món ăn chính vào một cái bát ở phần trung tâm.

  • Xếp song song

Còn được gọi là Masu-zume (升詰め) hoặc Masu-kake (升かけ), các món Osechi sẽ được xếp theo đường chéo trong các hàng đánh số lẻ. Hàng chính giữa sẽ dành cho các món có màu sắc rực rỡ hoặc có kích thước lớn để khay thức ăn càng thêm bắt mắt.

  • Hình con thoi

Đây là phương pháp xếp thức ăn vào 4 phần hình tam giác với 4 góc là đỉnh và phần hình thoi ở giữa (Cách này còn được gọi là Sumidori). Nếu như lấp đầy phần trung tâm bằng các món sáng màu, thì toàn bộ khay sẽ trông vừa vặn và hợp lý hơn rất nhiều.

Trong những năm gần đây, số lượng Osechi ngày càng tăng lên, không chỉ có các món ăn truyền thống kiểu Nhật mà còn các món ăn kiểu phương Tây hay Trung Quốc cũng được rất nhiều người trẻ ưa chuộng.

Một khay Osechi hiện đại gồm thịt nguội, giăm bông và trứng cá muối (caviar)

Có thể nói, Osechi ryori không chỉ đơn thuần là một bữa ăn mà nó còn là một phần không thể thiếu trong phong tục đón năm mới của người Nhật Bản. Việc cùng thưởng thức những món ăn này cũng là cách để chúc mừng năm mới, là dịp để về đoàn tụ, quây quần bên gia đình, hỏi thăm sức khỏe của nhau và chia sẻ những dự định cho một năm mới sang. Nếu bạn đang ở Nhật Bản trong mùa Tết năm nay, tại sao không thử Osechi ryori một lần xem sao?

 

Đang xem: Osechi ryori - Món ăn Tất niên của người Nhật và hộp đựng "hạnh phúc”

Sản phẩm đã xem

bình luận trên bài viết “Osechi ryori - Món ăn Tất niên của người Nhật và hộp đựng "hạnh phúc”

Viết bình luận



0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
Giỏ Hàng