Kết thúc kỳ nghỉ lễ dài ngày, trong chúng ta chắc hẳn có không ít người cảm thấy thiếu động lực và mất khả năng tập trung, thêm vào đó là sự lo lắng do cân nặng tăng quá mức. Nếu đã “nạp” khá nhiều chất trong những buổi tiệc thịnh soạn đầu năm, khả năng cao não bộ và cơ thể sẽ cảm thấy “khát” nước cũng như chất xơ.
Đối với trường hợp này, tạp chí Cosmopolitan Hoa Kỳ đã đưa ra gợi ý về 10 loại siêu thực phẩm chuyên gia khuyến nghị mà bạn nên tích cực tiêu thụ để nạp đầy đủ những chất dinh dưỡng cần thiết trong thời gian tới.
Trước hết, hãy cùng tìm hiểu nhanh “Siêu thực phẩm” có nghĩa là gì. Theo định nghĩa của từ điển Anh - Anh của Merriam-Webster, “Siêu thực phẩm” được định nghĩa là “Các loại thực phẩm giàu những hợp chất có lợi cho sức khỏe con người như chất chống oxy hóa, chất xơ và axit béo.”
Tuy nhiên, chuyên gia dinh dưỡng Chelsea Golub cũng lưu ý rằng không có loại thực phẩm nào, kể cả những thức ăn được cho là “siêu thực phẩm” có thể chữa lành hoặc bảo vệ chúng ta khỏi bệnh tật. Dẫu vậy thì một chế độ ăn uống lành mạnh thì đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe thể chất cũng như tinh thần.
Hãy cùng điểm qua những “siêu thực phẩm” có khả năng trở thành xu hướng và trở nên thịnh hành trong năm nay, biết đâu có một số loại thực phẩm bạn đang có sẵn trong căn bếp của mình rồi đấy.
Củ dền/Củ cải đường (Beets)
Củ dền/Củ cải đường là một thực phẩm dồi dào dinh dưỡng mà bạn nên tăng cường tiêu thụ trong chế độ ăn của mình. Không chỉ ít calo, nó còn giàu chất xơ, giúp ổn định lượng đường trong máu, hỗ trợ tiêu hóa. Hơn nữa, nó cũng còn có tác dụng chống viêm.
Chuyên gia Golub cho biết, nước ép trái cây tươi là một cách tuyệt vời để bổ sung các vi dưỡng chất, tuy vậy, rau và trái cây sau khi ép sẽ mất rất nhiều chất xơ. Bạn có thể thỉnh thoảng ép rau củ để lấy nước uống nhưng việc ăn cả quả sẽ tốt hơn nhiều cho sức khỏe.
Cách ăn: Cách chế biến củ cải đường rất đa dạng, bạn có thể ăn sống, nướng, luộc, hấp hoặc ép lấy nước để thêm vào bất kỳ bữa ăn nào. Golub cho biết cô thích thêm củ cải đường vào món salad của mình kèm với một ít phô mai sữa dê.
Hạt lanh (Flaxseeds)
Trong năm 2023 tới, có vẻ hạt lanh sẽ hợp xu hướng hơn so với món bánh mì nướng ăn kèm quả bơ. Theo chuyên gia Golub, dầu hạt lanh chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, bao gồm chất xơ, chất chống oxy hóa và axit béo Omega-3 tốt cho tim mạch. Bạn có thể thử rắc hạnh lanh lên món bánh mì nướng quả bơ để có một bữa sáng bổ dưỡng mà phong cách.
Cách ăn: Hạnh lanh rất tuyệt vời để ăn vào bữa sáng. Chuyên gia khuyên rằng bạn nên thêm nó vào sinh tố, sữa chua, yến mạch hay granola cho món ăn thêm hấp dẫn với kết cấu giòn, thơm. Loại hạt này cũng thích hợp để sử dụng làm đồ ngọt như bánh - kẹo nướng.
Thì là (Fennel)
Theo chuyên gia dinh dưỡng Brigitte Becker, rau thì là có thể làm giảm các triệu chứng rối loạn chức năng đường tiêu hóa, khó tiêu, cải thiện tình trạng suy giảm trí nhớ do tuổi tác và giúp chống viêm.
Thực phẩm này cũng có tác dụng trong việc làm dịu chứng lo âu, rối loạn giấc ngủ, cũng như điều hòa nội tiết tố và cải thiện tâm sinh lý.
Cách ăn: Bạn có thể sử dụng thì là như một món rau thơm ăn kèm cho bữa tối của mình. Becker khuyên nên thêm nó vào các món áp chảo, hấp, nướng để thêm dinh dưỡng cho các bữa ăn thường ngày. Hơn nữa, trà thì là cũng mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe không kém gì trà matcha đấy!
Rau mầm (Microgreens)
Trong năm 2023, rau mầm (hay rau non - loại rau xanh được thu hoạch trước khi trưởng thành, trong khoảng từ 7 - 14 ngày sau khi nảy mầm) sẽ bắt đầu phổ biến hơn. Chuyên gia Golub cho biết microgreen không chỉ dùng như một món ăn kèm dễ sử dụng mà còn chứa nhiều vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng cần thiết khác để duy trì sức khỏe tốt.
Rau mầm rất dễ trồng ở các vị trí trong nhà như kệ bếp hay bậu cửa sổ. Chẳng phải đây là cơ hội tốt để bạn có cơ hội thực hành kỹ năng làm vườn của mình hay sao? Việc dính bùn đất hoặc làm bẩn quần áo không thành vấn đề bởi bộ dụng cụ trồng rau mầm được bán rất nhiều trên thị trường, hãy thử tự mình trồng xem sao nhé!
Cách ăn: Nếu bạn muốn món ăn của mình thêm hấp dẫn thì rau mầm sẽ là lựa chọn hoàn hảo giúp bữa ăn thêm đẹp mắt và ngon miệng. Golub khuyên, bạn nên thêm rau mầm vào salad, các món cuốn thông thường hoặc món trứng tráng để bổ sung thêm vitamin vào buổi sáng.
Húng quế (Basil)
Húng quế cũng là một trong những loại thảo mộc nổi bật trong danh sách này. Becker cho biết húng quế giúp chống viêm, cải thiện chức năng đường hô hấp và miễn dịch, đồng thời cũng rất bổ phổi. Ông cũng cho biết thêm, nó có thể làm giảm căng thẳng mãn tính, tăng cường trí nhớ công việc và cải thiện tâm trạng.
Cách ăn: Thêm lá húng quế và vài lát chanh vào nước uống thông thường của bạn. Nếu không, bạn có thể sử dụng nó như một loại nguyên liệu cho súp, nước sốt salad,… để tăng hương vị.
Bèo tấm (Lemnaceae)
Theo Dean Falcone, giám đốc bộ phận nghiên cứu của công ty nông nghiệp công nghệ cao “Crop One”, giống cây thủy sinh có khả năng sẽ có bước nhảy vọt trong thập kỷ tới. Chứa lượng dồi dào protein (chất đạm) và các chất dinh dưỡng thiết yếu, loại bèo này đã phát triển mạnh ở các nước Đông Nam Á như Việt Nam, nay được Hoa Kỳ sử dụng trong công nghệ chế biến thực phẩm của mình.
Giám đốc cũng cho biết protein trong bèo tấm thậm chí có thể so sánh với protein từ đậu nành. Nói cách khác vào thời điểm năm 2024, món “latte bèo tấm” thậm chí sẽ được ưa chuộng hơn latte sữa đậu nành.
Cách ăn: Bèo tấm có rất nhiều ở các khu vực Đông Nam Á nóng ẩm như Việt Nam, vì vậy nếu có bột bèo tấm, hãy thêm một muỗng vào món sinh tố buổi sáng của bạn. Ngoài ra, để đảm bảo vệ sinh thì không nên sử dụng bèo tấm chưa qua chế biến trôi nổi trong ao hồ gần nhà.
Hạt hổ (Tiger nut)
Hạt hổ còn được gọi là hạt chufa hoặc hạnh nhân đất, thực chất là một loại củ chứ không phải hạt. Đây là loại hạt cao cấp cung cấp nhiều kali, vitamin C, magiê, chất béo lành mạnh và protein thực vật, hỗ trợ tạo cảm giác no lâu và kiểm soát lượng đường trong máu.
Cách ăn: Là nguồn protein thực vật bổ dưỡng, loại hạt này rất thích hợp với chế độ ăn chay. Golub cho biết, bạn có thể nghiền nhỏ hạt và rắc vào món salad cho một bữa trưa lành mạnh, bạn cũng có thể sử dụng nó để làm sữa hạt, hoặc xay nhỏ để thay thế bột mì trong làm bánh. Tuy nhiên, vì nó chứa rất nhiều chất xơ nên hãy lưu ý nếu bạn bị yếu dạ dày.
Dầu ôliu siêu nguyên chất (Extra Virgin Olive Oil)
Trong những năm vừa qua, có nhiều quan điểm tiêu cực cho rằng dầu ôliu có thể gây béo, nhưng cô Golub nhận định “Đó là một suy nghĩ sai lầm.”
Chuyên gia này cho biết, dầu ôliu siêu nguyên chất là chất béo có lợi cho tim mạch, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh và tim và cung cấp cho cơ thể nhiều chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào khỏi các gốc tự do có hại (nguyên nhân chính gây lão hóa).
Cách ăn: Dầu ôliu siêu nguyên chất cực kỳ dễ kết hợp vào chế độ ăn uống hiện tại của bạn. Hãy thử thêm một muỗng canh dầu để xào rau, sử dụng để nêm gia vị hoặc dùng cho công thức nước sốt salad.
Chanh (Lemon)
Nhiều người trong chúng ta uống nước chanh hằng ngày, nhưng bạn đã biết thức uống này có hiệu quả như thế nào đối với chế độ ăn kiêng của mình không? Ngoài việc giàu vitamin C và chất điện giải, chnah cũng rất tốt cho thận và gan của bạn. Nó cũng được khuyến nghị cho người đang tìm lại sự cân bằng sau những bữa tiệc rượu thịt đầy ắp xuyên suốt ngày lễ.
Quả hạch Brazil (Brazil Nuts)
2-3 quả hạch Brazil mỗi ngày cung cấp cho bạn lượng selen* với liều lượng khuyến nghị tối ưu (*Selen là một khoáng chất hỗ trợ hệ thống miễn dịch và sức khỏe tuyến giáp). Chuyên gia Golub cho biết: “Các loại hạt Brazil không chỉ là nguồn cung cấp chất béo tốt cho sức khỏe mà còn chứa nhiều chất chống oxy hóa với những lợi ích sức khỏe tiềm tàng khác.”
Cách ăn: Trộn quả hạch brazil với quả nam vệt quất khô, granola và vụn sô cô la đen để làm trail mix (Đồ ăn vặt từ các loại hạt, granola) tiếp sức cho những buổi đi bộ hoặc tập thể dục nhé!
Nguồn: COSMOPOLITAN US