Wagashi là gì?
Wagashi là tên gọi chung của các loại bánh kẹo ngọt cổ truyền của Nhật, dùng để phân biệt với bánh kẹo phương Tây (Yogashi). Nguyên liệu thường dùng của Wagashi là từ các loại thực vật như ngũ cốc, cây trái... Người thợ làm Wagashi rất kỳ công và tỷ mỷ, sáng tạo những món bánh kẹo truyền thống này thành những đoá hoa muôn hương ngàn sắc trong địa đàng ẩm thực Nhật Bản. Dường như tinh thần sống hòa hợp với thiên nhiên của Xứ sở Phù Tang đều ẩn chứa trong Wagashi.
Lịch sử phát triển của Wagashi
Wagashi có tên Tiếng Hán là “Hòa quả Tử”, tức là vẻ đẹp của tự nhiên, ngụ ý wagashi là tiểu vũ trụ tổng hòa những yếu tố tươi đẹp nhất trong đất trời.
Wagashi xuất hiện ở Nhật từ rất sớm, vào thời Yayoi (300 TCN – 300), với mục đích ban đầu là món ăn dùng để tế thần. Đến thời của Edo (1603-1867), wagashi được phát triển thành món ăn nghệ thuật đỉnh cao. Từ đó, nghề làm wagashi trở nên phổ biến khắp nước Nhật. Các cửa hiệu làm bánh mọc lên khắp Kyoto cho đến các khu vực lân cận. Và mục đích sử dụng bánh cũng đa dạng hơn. Chúng xuất hiện như một món tráng miệng kích thích vị giác sau buổi tiệc trà thanh đạm hay góp mặt vào bữa ăn của quý tộc như sự khẳng định đẳng cấp và được dùng như quà biếu trong các dịp trọng đại,…
Tới thời Minh Trị (1868-1912), chính sách ngoại giao mở cửa đã giới thiệu món bánh đặc biệt này đến với các nước phương Tây. Kể từ đó, wagashi luôn được thế giới nhìn nhận như một trong những đại diện tiêu biểu và đặc trưng cho ẩm thực Nhật Bản.
Phân loại Wagashi
Wagashi có thể được phân thành 3 nhóm lớn dựa trên hàm lượng nước trong bánh: Namagashi, Hannamagashi và Higashi. Sự phân chia này rất quan trọng trong trà đạo bởi nguyên tắc chỉ được ăn Namagashi khi dùng trà đậm và Higashi khi dùng trà nhạt.
Nhóm Namagashi: nhóm bánh có độ ẩm trên 30%. Điển hình nhất là Mochi. Bên cạnh đó, còn có các loại bánh như Gyuuhi , Nerikiri, Kimi shigure, Sakura mochi…
Nhóm Han Namagashi: có độ ẩm thấp hơn chỉ trong khoảng 10 – 30% với một số loại tiêu biểu như Youkan, Kingyoku, Monaka.
Nhóm Higashi: là các loại bánh có độ ẩm dưới 10%, bao gồm Uchi Mono và Kakemono.
Yếu tố Nghệ thuật của Wagashi
Người ta vẫn thường hay ví von Wagashi chính là Nghệ thuật của Ngũ quan – Five Sense of Art . Thị giác: Mỗi chiếc bánh Wagashi như một bức tranh thiên nhiên làm thỏa mãn thị giác của người thưởng thức.
Vị giác: Nguyên liệu làm bánh Wagashi là một yếu tố rất quan trọng. Những loại bột làm bánh được chia thành nhiều loại, được làm công phu , tỉ mỉ. Còn nhân bánh thì thường được làm bằng đậu đỏ, đường thì sử dụng các loại đường cao cấp như Wasanbon. Vì thế, vị ngọt từ bánh Wagashi tốt cho sức khỏe, không bị tăng cân như những chiếc bánh Tây phương
Xúc giác: Khi ta sờ vào chiếc bánh Wagashi thì sẽ cảm nhận được sự mịn màng, mềm mại của mặt bánh. Hoặc khi ta cắt chiếc bánh, và nếm chiếc bánh trên lưỡi thì cũng sẽ cảm nhận được sự tươi mới, mịn màng và chất lượng của từng chiếc bánh
Khướu giác: Wagashi có mùi hương nhẹ nhàng, tinh tế, nhưng không lấn át mùi của những loại thức uống khi dùng chung với bánh.
Thính giác: Những chiếc bánh được làm ra không chỉ đẹp mê mẩn, mà còn có những cái tên rất thơ mộng, khiến ta chỉ cần lắng nghe một lần là có ấn tượng sâu sắc, và nhớ mãi …
Wagashi trong đời sống hiện đại
Trong cuộc sống hiện đại, một mặt Wagashi tiếng tục lưu giữ những bản sắc độc đáo thời xưa, một mặt được biến tấu cho phù hợp với đời sống công nghiệp cũng như truyền bá đến nước ngoài. Các tiệm bánh Wagashi với nhiều sản phẩm đa dạng, được đóng hộp trang trọng, lịch sự để thực khách vừa có thể thưởng thức, vừa có thể mua làm quà biếu tặng.
Nếu có cơ hội đặt chân đến Nhật Bản, bạn nên ít nhất 1 lần thưởng thức hương vị của những chiếc bánh Wagashi này để cảm nhận sự tinh tế và trân trọng của người làm bánh trong từng chiếc bánh nhé.