I.Nguồn gốc
Tương truyền, mochi có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ban đầu chỉ là bánh gạo nếp trộn với đậu đỏ và chỉ dành cho giới quý tộc, thượng lưu thời đó thưởng thức. Thiên Hoàng Nhật Bản khi đó rất yêu thích món bánh này, đồng thời xem chúng như một điềm lành và sự thịnh vượng cho quốc gia.
Bánh mochi hay còn gọi là bánh dày Nhật Bản là món bánh được làm từ gạo nấu lên rồi giã đều sau đó nặn thành bánh. Mọi người thông thường sẽ nhìn thấy bánh mochi có dạng tròn và có kích cỡ khoảng một nấm tay. Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng mùa và từng lễ hội đặc biệt trong văn hóa Nhật Bản sẽ cho ra đời các bánh mochi có hình dạng khác nhau.
Đối với những ai muốn tìm mua bánh kẹo Nhật Bản về làm quà thì không thể nào bỏ lỡ những chiếc bánh mochi xinh xắn, thơm ngon. Hình dáng của mochi được bán ngoài các cửa hàng khá bắt mắt. Nhân bánh lại càng đa dạng, phong phú hơn. Đó có thể là nhân đậu đỏ truyền thống, nhân kem tươi với đầy đủ các mùi vị cho bạn cơ hội thưởng thức những chiếc bánh có lớp vỏ ngoài mềm dẻo với phần nhân ngọt thanh.
II. Ý nghĩa của bánh mochi
Trong những ngày lễ tết
Bánh Mochi Nhật Bản đã có từ rất lâu đời và là một món ăn không thể thiếu trong các gia đình Nhật Bản nhân dịp năm mới. Họ bày trí Mochi ở hốc tường Toko-noma trang trọng trong phòng khách hoặc trong nhà bếp. Những chiếc bánh này được gọi là Kagami-mochi, tức bánh Mochi dâng lên thần linh.
Ngày Tết, Tết Trung Thu, người Nhật cúng bánh Mochi để cầu nguyện cho một năm dồi dào sức khỏe và trường thọ. Vào những ngày truyền thống, người Nhật cột bánh Mochi trên thanh tre dài rồi nướng trong đống lửa. Họ tin rằng khi ăn bánh Mochi nướng tại lễ Dondo-yaki sẽ mang lại sức khỏe cho suốt cả năm.
Trong lễ cưới
Khi vượt qua giai đoạn trẻ thơ, bước vào tuổi trưởng thành và kết hôn, bánh Mochi lại xuất hiện trong lễ cưới của mọi người.
Theo phong tục, một số người tiến hành nghi thức giã bánh gạo Mochi ngay trên sân khấu làm lễ cưới của cô dâu – chú rể. Truyền thống này đã được lưu truyền từ rất lâu. Chú rể cũng tự tay giã bánh ngay tại tiệc cưới của mình. Sau đó, đôi uyên ương thực hiện nghi thức ăn bánh Mochi. Đặc điểm của loại bánh gạo nếp này là rất dẻo và dính, vì vậy, người Nhật cho rằng, những cặp vợ chồng cùng ăn bánh Mochi sẽ sống với nhau mãi mãi, không thể tách rời nhau.
Trong lễ dựng nhà mới Choto-shiki của người Nhật
Bánh Mochi cũng có mặt trong lễ dựng nhà mới Choto-shiki của người Nhật. Buổi lễ do một vị chức sắc trong Thần Đạo chủ trì. Sau đó, những người phụ trách công trình sẽ ném bánh gạo ra phía trước hiên nhà với niềm tin các vị thần đất đai sẽ phù hộ cho việc xây dựng tòa nhà thành công, không gặp trở ngại. Số bánh Mochi bị ném đi sẽ được các em nhỏ nhặt hết. Đây được xem là sự chia sẻ niềm vui với gia chủ. Đối với người Nhật, bánh Mochi theo chân họ từ khi mới được sinh ra, đến lúc trưởng thành và tự lập cuộc sống.
Trên đây là những điều thú vị về một thứ bánh nổi tiếng của xứ Phù Tang. Nếu bạn cũng là một “cạ cứng” của bánh mochi Nhật Bản, hãy chia sẻ cùng chúng mình những kỷ niệm đáng nhớ của bạn với món bánh này nha!