Hiểu đúng về ăn dặm kiểu Nhật để áp dụng hiệu quả, an toàn cho con

Hiểu đúng về ăn dặm kiểu Nhật để áp dụng hiệu quả, an toàn cho con

Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật không chỉ giúp bé làm quen với nhiều loại thực phẩm mà còn xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh từ khi còn nhỏ. Cùng tìm hiểu về ăn dặm kiểu Nhật, từ những nguyên tắc cơ bản đến cách xây dựng thực đơn chi tiết để bố mẹ có thể hiểu đúng và áp dụng hiệu quả.

1. Ăn dặm kiểu Nhật là gì?

Ăn dặm kiểu Nhật là phương pháp ăn dặm có nguồn gốc từ Nhật Bản với mục tiêu rèn luyện cho bé thói quen ăn uống tự lập và ăn theo nhu cầu, không bị ép buộc. Bữa ăn gồm nhiều món ăn được chế biến riêng biệt, để bé chủ động ăn theo sở thích và dễ dàng làm quen, cảm nhận hương vị của từng loại thực phẩm. Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật đồng thời chú trọng kết hợp các món ăn thô giúp bé phát triển kỹ năng nhai, cầm, nắm để có cảm giác hứng thú hơn với bữa ăn. 

Ăn dặm kiểu Nhật gồm các món ăn được chế biến riêng biệt, có độ thô phù hợp với từng độ tuổi

Ăn dặm kiểu Nhật gồm các món ăn được chế biến riêng biệt, có độ thô phù hợp với từng độ tuổi

2. Ưu điểm và nhược điểm của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật

2.1 Ưu điểm

Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật mang lại cho bé nhiều lợi ích về sức khỏe, thói quen ăn uống nhờ sở hữu những ưu điểm vượt trội như sau: 

  • Món ăn được chế biến riêng giúp con cảm nhận được mùi vị đặc trưng của từng loại thực phẩm và thấy kích thích vị giác hơn. Việc chế biến riêng cũng giúp mẹ dễ dàng nhận biết loại thực phẩm mà con yêu thích hoặc dị ứng. 
  • Dễ điều chỉnh được độ loãng, đặc, độ thô của món ăn theo từng giai đoạn phát triển của bé.
  • Trẻ tập được kỹ năng ăn thô, hình thành phản xạ nhai nuốt tốt và có thói quen ăn uống tự lập từ nhỏ.
  • Hạn chế tình trạng thừa cân, béo phì do các món ăn không dùng xương, thịt để nấu nước dùng. Thay vào đó là nước dùng dashi được chế biến từ rau củ. 

Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật giúp trẻ chủ động ăn uống và tập khả năng ăn thô tốt

Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật giúp trẻ chủ động ăn uống và tập khả năng ăn thô tốt

2.2 Nhược điểm

Bên cạnh những ưu điểm vừa đề cập thì phương pháp ăn dặm kiểu Nhật cũng có không ít nhược điểm như: 

  • Những bé mọc răng trễ hoặc có kỹ năng nhai kém sẽ gặp khó khăn khi tập ăn dặm kiểu Nhật, dễ hình thành tâm lý sợ nhai, dẫn đến biếng ăn. 
  • Thức ăn được chế biến dạng thô, không được xay nhuyễn có thể khiến con bị nôn, khó tiêu hóa, hấp thu dinh dưỡng kém. 
  • Bé ăn chủ động nên có thể ăn ít, ăn không hết phần thức ăn đã chuẩn bị. Điều này có thể khiến con bị mất cân bằng dinh dưỡng, bị chững cân hoặc tăng cân chậm.
  • Mẹ sẽ mất nhiều thời gian hơn khi lên thực đơn, chuẩn bị nguyên liệu và chế biến các món ăn dặm kiểu Nhật. 

Mất nhiều thời gian hơn khi lên thực đơn, chuẩn bị nguyên liệu cho bữa ăn dặm kiểu Nhật

Mất nhiều thời gian hơn khi lên thực đơn, chuẩn bị nguyên liệu cho bữa ăn dặm kiểu Nhật

3. Nguyên tắc xây dựng thực đơn ăn dặm kiểu Nhật

Dưới đây là các nguyên tắc cơ bản giúp bố mẹ xây dựng thực đơn ăn dặm kiểu Nhật hấp dẫn, tốt cho sức khỏe của bé: 

  • Mỗi bữa ăn dặm của con cần đảm bảo có đủ 4 nhóm dưỡng chất thiết yếu: bột đường, đạm, vitamin, khoáng chất và chất béo.
  • Không nêm gia vị muối, đường vào món ăn của trẻ dưới 1 tuổi.
  • Món ăn chế biến từ lỏng đến đặc, số lượng từ ít đến nhiều.
  • Không sử dụng máy xay, chỉ dùng rây, cối làm mịn, giã nhuyễn thức ăn.
  • Lựa chọn thực đơn phù hợp theo độ tuổi, sở thích và nhu cầu ăn uống của con.

Bữa ăn dặm của trẻ cần có đủ chất và cân bằng dinh dưỡng với nhiều loại thực phẩm

Bữa ăn dặm của trẻ cần có đủ chất và cân bằng dinh dưỡng với nhiều loại thực phẩm

4. Gợi ý thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé từ 5 - 18 tháng tuổi

Thực đơn ăn dặm kiểu Nhật thường được áp dụng theo 4 giai đoạn phát triển của bé: từ 5 – 6 tháng; 7 – 8 tháng; 9 – 11 tháng và 12 –18 tháng.

4.1 Thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé từ 5 – 6 tháng tuổi

Đây là giai đoạn bé bắt đầu tập ăn dặm, nên cho con ăn 1 bữa/ngày với thức ăn lỏng, mịn. Mục tiêu cho giai đoạn ăn dặm này là giúp bé tập làm quen với thức ăn khác ngoài sữa và hình thành phản xạ nuốt thức ăn. Món ăn phù hợp nhất với bé ở giai đoạn này là cháo trắng rây mịn có tỉ lệ 1 : 10 (1 phần gạo nấu với 10 phần nước). 

Gợi ý thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé 5 - 6 tháng tuổi: 

Thực đơn

Nguyên liệu

Cách chế biến

Cháo bí đỏ

Cháo (10g), bí đỏ hấp chín (5g), nước dashi (10g)

Bí đỏ rây mịn pha với nước dashi thành hỗn hợp loãng hoặc sệt.

Cháo cà rốt

Cháo trắng (10g), cà rốt (5g), nước dashi (10g)

Cà rốt hấp chín, nghiền nhuyễn, rây mịn trộn với nước dashi thành hỗn hợp loãng.

Súp khoai tây

Khoai tây (5g), nước dashi (10g)

Khoai tây hấp chín, nghiền nhuyễn lược qua rây, sau đó trộn với nước dashi.

Cháo bánh mì sữa chua

Bánh mì sandwich (1 lát), sữa chua (10g)

Bánh mì sandwich bỏ đi phần rìa, xé nhỏ nấu chín nhừ cùng với một ít nước, để nguội bớt và trộn đều với sữa chua. 

Cháo cá

Cháo trắng (10g), cá hồi (10g), cải ngọt (15g)

Cá hồi hấp chín, gỡ sạch xương, giã mịn, lọc qua rây. 

Cải ngọt luộc chín, nghiền nhuyễn, rây mịn.
Trộn đều cháo trắng, cá, cải ngọt và một lượng nước dashi vừa đủ để có độ loãng thích hợp.

Súp cá đậu hà lan

Cá (10g), đậu hà lan (10g), nước dashi (10g)

Cá hấp chín, gỡ bỏ xương, nghiền nát, lọc qua rây.

Đậu hà lan hấp chín, nghiền nát và rây mịn. 

Trộn cá, đậu hà lan với nước dashi.

Khoai tây trộn sữa

Khoai tây (20g), sữa mẹ/sữa công thức (15g)

Khoai tây hấp chín, nghiền nát, rây mịn và trộn đều với sữa.

 

4.2 Thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé từ 7 – 8 tháng

Trẻ từ 7 tháng có khả năng nuốt tốt và ăn được thức ăn thô hơn. Thức ăn cần nấu mềm, nghiền sơ để bé có thể dễ dàng nghiền nát thức ăn bằng lưỡi và nướu. Số bữa ăn cho con ở giai đoạn này là 2 bữa/ngày, sáng và chiều với lượng thức ăn tăng dần. Món cháo trắng phù hợp cho bé ở độ tuổi 7, 8 tháng nên có tỷ lệ 1 : 7 (1 phần gạo nấu với 7 phần nước).

Gợi ý thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé từ 7 – 8 tháng: 

Thực đơn

Nguyên liệu

Cách chế biến

Bí đỏ trộn táo

Bí đỏ (25g), táo (20g)

Bí đỏ hấp chín mềm, nghiền nhuyễn và rây mịn. 

Ép lấy nước táo và trộn đều với bí đỏ tạo thành hỗn hợp loãng mịn.

Cháo trứng

Cháo trắng (40g), trứng (½ lòng đỏ), nước dashi (50g)

Đun nóng nước dashi, cho cháo trắng vào đảo đều.

Đánh tan lòng đỏ trứng, cho từ từ vào cháo, khuấy đều, nấu đến khi trứng chín kỹ. 

Cháo bánh mì sandwich cá hồi

Bánh mì sandwich (1 lát), cá hồi (10g)

Bánh mì sandwich bỏ viền ngoài, xé nhỏ và nấu chín nhừ với nước. 

Cá hồi hấp chín, gỡ bỏ da và xương, dùng thìa tán nhuyễn và trộn đều với cháo bánh mì.

Cháo thịt gà rau cải

Cháo trắng (50g), rau cải (20g), thịt gà (15g), nước luộc gà (30g)

Rau cải luộc chín, thái nhuyễn. 

Thịt gà luộc chín mềm, giã nát, rây mịn.

Xào thơm thịt gà, rau cải cho vào nồi cháo trắng, thêm nước luộc gà, đun sôi.

Lòng đỏ trứng trộn khoai tây

Khoai tây (25g), trứng (1 quả), nước dashi (10g)

Khoai tây gọt vỏ, hấp chín và nghiền nhuyễn.

Trứng gà luộc chín, lấy ⅓ lòng đỏ, tán nhuyễn. 

Trộn đều khoai tây, lòng đỏ trứng, thêm nước dashi để tạo thành hỗn hợp sánh mịn.

Mì gà cà rốt

Mì (50g), thịt gà (20g), cà rốt (20g), nước dashi (150g)

Thịt gà, cà rốt hấp chín, nghiền nát rồi rây mịn. 

Mì luộc chín, cắt ngắn.

Đun sôi nước dashi, cho thịt gà, cà rốt và mì vào, khuấy đều, tắt bếp.

Thịt gà sốt khoai tây

Thịt gà (15g), khoai tây (25g), nước dashi (20g)

Thịt gà luộc chín, giã nhỏ.

Khoai tây luộc chín, nghiền mịn.

Trộn thịt gà, khoai tây và nước dashi thành hỗn hợp sánh mịn.

 

4.3 Thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé từ 9 – 11 tháng tuổi

Bé từ 9 đến 11 tháng tuổi đã bắt đầu biết cắn, nhai bằng nướu và có thể dùng lưỡi đè nát thức ăn. Thực đơn ăn dặm ở độ tuổi này nên bổ sung các loại rau củ thái nhỏ, hầm mềm để bé tập nhai, nuốt. Khẩu phần ăn cho con 3 bữa/ngày (sáng, trưa, chiều). Món cháo trắng cho bé ở giai đoạn này cũng có độ đặc hơn, gần giống như cơm với tỷ lệ 1 : 5.

Gợi ý thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé từ 9 – 11 tháng tuổi: 

Thực đơn

Nguyên liệu

Cách chế biến

Cháo trắng & thịt gà sốt cà chua

Cháo đặc (50g), thịt gà (20g), cà chua (25g), dầu ăn (5g)

Thịt gà rửa sạch, băm nhỏ.

Chần cà chua vào nước sôi, bóc vỏ, bỏ hạt, xắt nhỏ. 

Làm nóng dầu, cho thịt gà, cà chua vào xào đến khi chín mềm.

Trình bày riêng cháo trắng và món thịt gà sốt cà chua.

Cháo trắng & canh cá bông cải

Cháo đặc (50g), bông cải (25g), cá (20g), nước dashi (200g)

Bông cải luộc chín, thái nhỏ.

Cá hấp chín, bỏ xương, dằm nát.

Đun nóng nước dashi, cho cá, bông cải vào nấu đến khi nước hơi cạn lại thì tắt bếp.

Trình bày riêng cháo trắng và món canh cá bông cải.

Bún thịt bò rau cải

Bún (25g), rau cải (25g), thịt bò (20g), cà rốt (10g), nước dashi (200g)

Luộc chín mì, cắt sợi ngắn vừa ăn.

Cà rốt, rau cải rửa sạch, hấp chín và thái nhuyễn.

Thịt bò băm nhỏ, xào chín.

Đun nóng nước dashi, cho mì và các nguyên liệu vào, nấu sôi lại.

Cháo đặc/cơm nát & canh bí xanh, thịt viên

Cháo đặc/cơm nát (60g), bí xanh (30g), thịt nạc băm (20g), hành lá, nước dashi (150g)

Bí xanh gọt vỏ, bỏ ruột, thái miếng vuông cỡ đầu ngón tay út. 

Nặn thịt băm thành nhiều viên nhỏ. 

Nấu sôi nước dashi, cho thịt viên, bí xanh vào nấu chín mềm.

Trình bày riêng cháo đặc/cơm nát với món canh bí xanh thịt viên.

Cháo bí đỏ, thịt gà

Cháo đặc (60g), bí đỏ (15g), thịt gà (15g), nước dashi (50g)

Bí đỏ hấp chín, tán nhuyễn.

Thịt gà luộc chín, giã nhỏ.

Nấu sôi nước dashi, cho thịt gà, bí đỏ vào nấu cùng đến khi gần cạn. 

Trộn cháo đặc với hỗn hợp bí đỏ, thịt gà.

Cháo đặc/cơm nát & cá hồi xào bông cải

Cháo đặc/cơm nát (60g), cá hồi (25g), bông cải (35g), dầu ăn (5g)

Cá hồi bỏ da, lọc sạch xương, thái mỏng.

Bông cải luộc chín, thái nhỏ.

Cho dầu ăn vào chảo nóng, cho cá hồi, bông cải vào xào chín.
Trình bày riêng cháo đặc/cơm trắng với món cá hồi xào bông cải.

Súp gà nấm cà rốt

Thịt gà (25g), nấm hương/nấm rơm (15g), cà rốt (10g), bột năng (5g), nước luộc gà (100g)

Luộc chín thịt gà, cà rốt, thái nhỏ.

Trụng sơ nấm qua nước sôi, thái nhỏ.

Cho các nguyên liệu vào nước luộc gà, nấu chín mềm. 

Hòa bột năng với một ít nước, cho từ từ vào nồi súp gà, khuấy đều tay.

Nấu thêm khoảng 5 - 10 phút, nên hành lá xắt nhỏ vào, tắt bếp.

 

4.4 Thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé từ 12 – 18 tháng tuổi

Trẻ từ 12 tháng đã mọc nhiều răng nên có thể nhai, nuốt thức ăn dễ dàng và có thể cầm nắm thức ăn thành thục. Các món ăn không cần nấu mềm như trước và nên tập cho con ăn tự lập bằng cách dùng thìa tự xúc thức ăn. Lượng thức ăn ở giai đoạn này nên gồm 3 bữa/ngày (sáng, trưa, chiều) và 2 bữa phụ.

Gợi ý thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé từ 12 – 18 tháng tuổi: 

Thực đơn

Nguyên liệu

Cách chế biến

Cơm nát & trứng chiên, nấm rơm

Cơm nát (1 chén nhỏ), trứng (1 quả), nấm rơm (30g), nước dashi (10g), dầu ăn 1 muỗng, ngò rí

Nấm rơm trụng qua nước sôi, thái nhỏ. 

Đánh tan trứng với nấm, nước dashi, ngò rí.

Bắc chảo lên bếp, cho dầu vào, đổ hỗn hợp trứng vào chiên, nhẹ nhàng cuộn trứng lại.

Cho trứng ra đĩa, cắt thành từng khúc nhỏ. 

Trình bày riêng cơm nát và trứng chiên.

Cơm nát & canh thịt gà rau củ

Cơm nát (1 chén nhỏ), thịt gà (20g), khoai tây (10g), cà rốt (10g), bông cải (10g), nước dashi (150g), dầu ăn

Thịt gà thái miếng nhỏ vừa ăn, xào săn lại với dầu ăn. 

Cà rốt, khoai tây, bông cải thái hạt lựu.

Nấu sôi nước dashi, cho thịt gà, các loại rau củ vào nấu chín nhừ.

Trình bày riêng cơm nát và món canh thịt gà rau củ.

Sữa tươi & bánh mì sandwich chiên trứng

Sữa tươi (1 ly nhỏ), bánh mì sandwich (2 lát), lòng đỏ trứng (1 quả), dầu ăn

Cắt bánh mì sandwich thành những hình dạng vui mắt.

Đánh tan lòng đỏ trứng.

Nhúng bánh mì vào lòng đỏ và chiên trong chảo dầu nóng đến khi chín vàng. 

Trình bày riêng sữa tươi và bánh mì chiên trứng.

Cơm nát & cải thảo cuộn thịt băm

Cơm nát (1 chén nhỏ), thịt heo băm (25g), cải thảo (3 lá), nấm mèo (1 tai), nước dashi (200g), hành lá

Trụng cải thảo, hành lá qua nước sôi cho mềm. 

Nấm mèo ngâm nở, thái sợi nhuyễn. 

Trộn thịt bằm với nấm mèo. 

Trải lá cải thảo ra thớt, cho nhân thịt băm vào, khéo léo cuộn tròn lại và buộc lại bằng hành lá. 

Nấu sôi nước dashi, cho những cuộn cải thảo vào, hầm mềm.

Vớt cải thảo ra, cắt thành từng khúc nhỏ vừa ăn với bé. 

Trình bày riêng cơm nát với món cải thảo cuộn thịt băm.

Cơm nắm cá hồi, bông cải

Cơm nát (1 chén nhỏ), cá hồi (25g), bông cải (30g), muối mè

Cá hồi hấp chín hoặc chiên vàng rồi xé nhỏ. 

Bông cải luộc chín, thái nhỏ. 

Cho cơm vào tô, thêm cá, bông cải, rắc chút muối mè, trộn đều. 

Tạo hình cơm thành những hình dạng ngộ nghĩnh. 

Nui xoắn sốt thịt bò bằm cà chua

Nui xoắn (20g), thịt bò bằm (20g), cà chua (1 quả), dầu ăn

Ngâm nui khoảng 30 phút cho nở mềm rồi luộc chín, vớt ra để ráo. 

Cà chua bỏ hạt, thái nhuyễn. 

Làm nóng chảo, cho dầu ăn vào, cho lần lượt thịt bò, cà chua vào xào đến khi chín mềm. 

Sau đó cho nui xoắn vào chảo, đảo đều tay, nấu thêm khoảng 2 phút thì tắt bếp.

 

5. Những câu hỏi thường gặp khi cho bé ăn dặm kiểu nhật

5.1 Nước dashi là gì? Cách nấu thế nào?

Nguyên liệu để nấu nước dashi vô cùng đa dạng, có thể nấu từ rau củ quả, rong biển đến xương gà, cá bào khô… và không nêm gia vị. Nước dashi có thể được nấu với số lượng nhiều và bảo quản tủ đông để dùng dần trong tối đa 1 tuần. 

Nước dashi là một loại nước dùng được sử dụng phổ biến khi nấu các món ăn dặm kiểu Nhật. Loại nước dùng này có hương vị tự nhiên để các món ăn thêm đậm đà, giúp bé giải ngán, kích thích cảm giác thèm ăn và bổ sung thêm nhiều dưỡng chất thiết yếu. 

Nước dashi là loại nước dùng quan trọng trong phương pháp ăn dặm kiểu Nhật

Nước dashi là loại nước dùng quan trọng trong phương pháp ăn dặm kiểu Nhật

Hướng dẫn cách nấu nước dashi:

  • Rau củ quả gọt vỏ, rửa sạch và cắt thành miếng nhỏ.
  • Cho các nguyên liệu vào nồi nước hầm với tỷ lệ 250g rau củ và 800ml nước.
  • Hầm đến khi rau củ chín nhừ thì vớt ra.
  • Cho nước dashi vào khay và bảo quản ngăn đông để dùng dần.
  • Phần rau củ quả có thể xay nhuyễn hoặc ray mịn và bảo quản để sử dụng khi chế biến các món ăn dặm.

5.2 Khi nào nên cho bé ăn dặm kiểu Nhật?

Thời gian thích hợp cho bé ăn dặm là khi bé được 5 tháng 15 ngày. Đồng thời, bé cần có những biểu hiện sẵn sàng cho việc ăn dặm như: tự ngồi vững, tỏ ra thích thú khi nhìn người lớn ăn và khi đưa thìa hoặc thức ăn vào miệng, bé ít dùng lưỡi đẩy ra. 

Bé trên 5 tháng có thể bắt đầu ăn dặm kiểu Nhật

Bé trên 5 tháng có thể bắt đầu ăn dặm kiểu Nhật

5.3 Ăn dặm kiểu Nhật cần chuẩn bị những gì?

Khi áp dụng phương pháp ăn dặm kiểu Nhật cho con, bố mẹ cần chuẩn bị một số vật dụng cần thiết như sau: 

  • Ghế ăn: Đây được xem là “trợ thủ” đắc lực của mẹ, giúp bé tập ngồi, rèn thói quen ăn uống có kỷ luật và tốt cho hệ tiêu hóa.
  • Yếm ăn: Yếm ăn giúp bé thoải mái khám phá thức ăn, tập bốc, cầm thìa, dùng đũa mà không làm bẩn quần áo, giúp mẹ đỡ vất vả hơn sau bữa ăn.
  • Bát, thìa và cốc tập uống: Mẹ nên chọn bát nhựa và thìa silicon để bảo vệ nướu răng của bé.
  • Bộ chế biến đồ ăn dặm: Các món ăn dặm kiểu Nhật khi chế biến cần nhiều dụng cụ như: cối, chày, rây lọc, đồ mài rau củ, ép nước trái cây… 
  • Cốc nấu cơm nát: Chỉ cần cho cốc nấu cơm nát vào nồi cơm điện hoặc lò vi sóng, bé sẽ có bữa ăn ngon mà không tốn nhiều thời gian, công sức.
  • Hộp trữ đông: Sử dụng khay trữ đông có nhiều ngăn nhỏ và nắp đậy giúp bảo quản thức ăn tươi ngon và tiện lợi khi rã đông.

Thuận tiện chế biến thực đơn ăn dặm kiểu Nhật với các dụng cụ hỗ trợ

Thuận tiện chế biến thực đơn ăn dặm kiểu Nhật với các dụng cụ hỗ trợ

5.4 Cần lưu ý gì khi cho bé ăn dặm kiểu Nhật?

Để đảm bảo sức khỏe và giúp con dễ dàng làm quen với việc ăn dặm, bố mẹ cần lưu ý một số điều quan trọng như sau: 

  • Các món ăn dặm cần được nghiền nhuyễn hoặc nấu chín mềm để con có thể nhai, nuốt và tiêu hóa tốt.
  • Khi mới bắt đầu, nên cho con làm quen với thức ăn bằng cách cho con ăn 1 thìa nhỏ cháo rây. 
  • Đa dạng hóa nguyên liệu, thử nhiều loại thực phẩm khác nhau để tìm ra món bé thích.
  • Luôn theo dõi bé để phát hiện sớm dấu hiệu dị ứng, hóc thức ăn. 
  • Ở giai đoạn bắt đầu ăn dặm, nên hạn chế cho con ăn những thực phẩm dễ gây dị ứng như: tôm, cua, cá thu, bạch tuộc, ốc, đậu phộng, sữa bò… 
  • Không cưỡng ép con ăn, nếu bé không chịu ăn, nên tạm ngừng khoảng 2 - 3 ngày rồi thử lại với món ăn nhuyễn, mịn hơn.
  • Tập cho con thói quen ăn uống tập trung, tránh các yếu tố dễ gây xao nhãng như: điện thoại, tivi, đồ chơi… 

Tập cho bé thói quen ăn uống tự lập, tập trung ngay từ khi còn nhỏ

Tập cho bé thói quen ăn uống tự lập, tập trung ngay từ khi còn nhỏ

5.5 Có nên kết hợp ăn dặm kiểu nhật với các phương pháp khác không?

Mỗi phương pháp ăn dặm đều tồn tại những ưu, nhược điểm riêng. Vì vậy, mẹ có thể kết hợp ăn dặm kiểu Nhật với phương pháp ăn dặm truyền thống hoặc ăn dặm bé tự chỉ huy (BLW). Việc kết hợp nhiều phương pháp giúp bố mẹ linh hoạt hơn khi chuẩn bị và điều chỉnh thực đơn phù hợp với tình trạng sức khỏe, nhu cầu dinh dưỡng và khả năng nhai nuốt, tiêu hóa của từng bé.

Có thể kết hợp ăn dặm kiểu Nhật với các phương pháp khác phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của con

Có thể kết hợp ăn dặm kiểu Nhật với các phương pháp khác phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của con

Việc hiểu đúng và đủ về ăn dặm kiểu Nhật sẽ giúp bố mẹ áp dụng phương pháp này một cách hiệu quả và an toàn cho con. Bằng cách tuân thủ các nguyên tắc cơ bản và lựa chọn thực đơn phù hợp, bố mẹ có thể mang đến những bữa ăn bổ dưỡng, hấp dẫn để con ăn ngon, khỏe mạnh. 

Để chuẩn bị tốt nhất cho những bữa ăn dặm của bé, bố mẹ có thể chọn mua nguyên liệu và các dụng cụ chế biến an toàn, chất lượng tại Sakuko Store. Đây là thương hiệu chuyên nhập khẩu và phân phối các sản phẩm nội địa Nhật chính hãng với mức giá hợp lý.

Tại Sakuko Store, bố mẹ có thể lựa chọn nhiều sản phẩm ăn dặm thơm ngon giúp con đổi vị như: bánh ăn dặm, cháo hầm, bột dinh dưỡng, nước ép trái cây… Các sản phẩm đều đến từ những thương hiệu nổi tiếng, đảm bảo chất lượng và an toàn cho sức khỏe của bé. Sakuko còn mang lại trải nghiệm mua sắm tuyệt vời với nhiều ưu đãi hấp dẫn cùng dịch vụ giao hàng nhanh chóng và chính sách đổi trả tiện lợi.

Đến Sakuko Store, chọn mua nhiều sản phẩm Nhật nội địa chất lượng, giá tốt

Đến Sakuko Store, chọn mua nhiều sản phẩm Nhật nội địa chất lượng, giá tốt

Bố mẹ có thể truy cập tại đây để tìm hiểu và lựa chọn được sản phẩm ăn dặm phù hợp nhất hoặc đến trực tiếp các cửa hàng của Sakuko trên toàn quốc. Ngoài ra, mẹ cũng có thể liên hệ với Sakuko qua các kênh trực tuyến để được tư vấn và hỗ trợ mua hàng nhanh chóng:

SAKUKO JAPANESE RETAILER - HỆ THỐNG BÁN LẺ TIÊU DÙNG PHONG CÁCH NHẬT BẢN

 

Đang xem: Hiểu đúng về ăn dặm kiểu Nhật để áp dụng hiệu quả, an toàn cho con

Sản phẩm đã xem

bình luận trên bài viết “Hiểu đúng về ăn dặm kiểu Nhật để áp dụng hiệu quả, an toàn cho con

Viết bình luận



0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
Giỏ Hàng